Khả năng của con người là vô tận, sức sáng tạo của con người trong cuộc sống cũng vô biên. Điều này không nhất thiết là trong một bộ môn nghệ thuật nào đấy mà nó thể hiện rõ nét nhất qua chính hành động và suy nghĩ của mỗi chúng ta trong cuộc sống thường nhật. Cùng với sự sáng tạo đó là vô vàn ý tưởng tái chế giúp cho cuộc sống của chúng ta thêm “xanh” hơn.
Tái chế chai nhựa thành “bình hoa, chậu cây” chắc hẳn chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều. Hay đơn giản như tái chế những tờ lịch mà chắc hẳn trong nhà ai cũng có 1 quyền thành những phong bao lì xì lạ mắt chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp. Nhưng hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn một cách tái chế vô cùng độc lạ và không kém phần thú vị đó chính là: “Đan túi xách từ vỏ mì tôm”.
Câu chuyện đến từ thầy giáo Nguyễn Quốc Toàn, 40 tuổi là giáo viên lấy cảm hứng từ việc sau nhiều lần thấy phía sau căn tin của nhà trường chất đống những vỏ gói mỳ, bánh kẹo nhờ thu gom. Sau khi giấy, báo, chai nhựa có thể gom lại bán ve chai để tái chế nhưng vỏ mỳ gói thì chưa thấy làm được việc gì. Thì thầy giáo bắt đầu tìm cách. Cho đến năm 2014, thầy giáo đã nảy ra ý tưởng, những chiếc vỏ mỳ gói thường nhiều màu sắc bắt mắt nên có thể đan thành túi xách để tận dụng ưu điểm bền chắc, không thấm nước. Thầy đã phải học những kiểu đan cơ bản như kiểu xương cá, hạt gạo,… Vỏ mỳ được se thành sợi, kích thước cỡ chiếc đũa rồi dùng keo nến dán cố định. Năm 2018, thầy Toàn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Người thực hiện bộ sưu tập túi xác tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất với 44 chiếc.” Ngoài túi xách, thầy còn ứng dụng vỏ mì gói vào việc làm nên những sản phẩm trang trí như đèn, nón, bàn ghế,…
Nếu mà chỉ làm đơn thuần từ những chiếc vỏ mì gói, snack thì không được bắt mắt cho lắm, thầy đã trang trí thêm hạt cườm, những họa tiết bắt mắt để tăng tính thẩm mỹ. Điều này đã cho chúng ta thấy rõ sức sáng tạo của con người là không giới hạn, nó đã tạo cho cuộc sống xung quanh chúng ta mới mẻ, tiện ích và đặc biệt là “xanh” hơn rất nhiều.