Bất chấp mùi hăng xộc vào mũi, nhiều người vẫn đổ về bãi biển để chụp ảnh, thậm chí chơi đùa với bọt trắng mà không hề biết rằng bản thân đang tiếp xúc với những hóa chất vô cùng độc hại.
Cảnh tượng tại Marina – một trong những bãi biển du lịch nổi tiếng của Chennai (Ấn Độ) – khiến nhiều người tưởng như lạc vào bồng lai tiên cảnh hạ giới. Bọt trắng bồng bềnh trải dài trên cả bãi biển như những đám mây sà xuống mặt đất suốt 4 ngày qua.
Trẻ con tỏ ra thích thú, ngụp lặn trong “mây trắng” trong lúc người lớn tranh thủ lấy điện thoại ra chụp hình “sống ảo”.
Với người dân Chennai, cảnh tượng này không còn hiếm nhưng chưa bao giờ xảy ra với tần suất dày đặc như năm nay. Các bác sĩ cảnh báo những người tiếp xúc với bọt trắng có thể gặp vấn đề về da và hệ hô hấp.
“Nó chắc chắn không tốt, nhưng không phải ai cũng hiểu được tác hại của những bọt trắng này” – ông Pravakar Mishra, nhà khoa học tại Chennai, trao đổi với Đài NDTV ngày 2-12.
Theo các nhà khoa học địa phương, nguyên nhân của hiện tượng ô nhiễm này là do mưa lớn cuốn trôi những chất thải ứ đọng và chưa qua xử lý ra biển. Những con sóng lớn đánh vào bờ tạo ra lớp bọt trắng xóa.
Các ngư dân địa phương là người bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt ô nhiễm này. Nhiều người than không bán được cá trong mấy ngày gần đây sau khi thấy đám bọt ô nhiễm trên bờ biển.
“Người ta nghĩ cá bị nhiễm hóa chất nên không mua. Tôi chẳng kiếm được đồng nào mấy ngày gần đây”, một ngư dân than thở với NDTV.
Chỉ khoảng 40% chất thải tại Chennai được xử lý, 60% còn lại chảy thẳng ra sông và biển.
“Ô nhiễm bờ biển lúc này đang đe dọa sinh kế của nhiều người Ấn Độ còn hơn cả việc nước biển dâng”, ông Mishra cảnh báo. Hồi năm 2017, một đợt ô nhiễm tương tự cũng xảy ra ở Chennai khiến hàng tấn cá chết tràn vào bờ biển và bốc mùi hôi thối.
( Nguồn: Báo Tuổi Trẻ )