Trong con hẻm Võ Thị Phải (quận 12, TP.HCM), căn nhà của ông Tống Văn Thơm thoạt nhìn chẳng khác một vựa ve chai với hàng ngàn món đồ phế liệu như đầu đĩa, quạt trần, tượng đá, đồ chơi…
Hơn 40 năm gắn bó với công việc vệ sinh môi trường, ông Tống Văn Thơm (71 tuổi, Q.12, TP.HCM) trăn trở khi thấy lượng rác thải ra môi trường quá nhiều. Ông suy nghĩ và quyết định tận dụng những đồ phế liệu còn có thể sửa chữa.
Ông bắt đầu đem “rác” về tái chế thành những món đồ “độc nhất vô nhị”. Giờ đây khối ve chai của ông đã thành gia tài bạc tỉ với hơn 5.000 món đồ lớn nhỏ. Những món đồ tưởng vô tri nhưng chứa đựng biết bao kỷ niệm của người thành phố: bức ảnh cũ, khuôn tượng vỡ hay một khúc gỗ… Nhiều món được trả giá cao, song ông nhất quyết không bán.
Ông Thơm cho biết hồi xưa nghèo không có tiền ông hay sửa chữa lại các vật dụng mà người ta bỏ đi để sử dụng trong gia đình. Chỉ học đến lớp 3, không theo học ai, ông tự tìm hiểu, mày mò, làm riết rồi đam mê với đồ tái chế và gắn bó đến tận bây giờ.
“Mình có thể tái chế được đồ để dùng trong gia đình thì tại sao những món đồ này mình không giữ lại để giúp ích cho môi trường, đồng thời tạo ra nhiều món đồ mới và khác lạ”, ông Thơm chia sẻ.
Thời gian đầu khi bắt đầu tái chế, vợ con ông không đồng ý vì đem rác về làm bừa bộn nhà cửa. Nhưng khi hiểu được ý nghĩa việc ông làm, mọi người đều ủng hộ.
Ở tuổi ngoài 70, ông Thơm vẫn không muốn ngừng công việc tái chế. Ban ngày ông làm việc tại Nghiệp đoàn rác dân lập quận 5, về đến nhà ông lại lao vào mày mò những món đồ bị bỏ đi…
( Nguồn: Báo Tuổi Trẻ )