Chỉ còn vài ngày nữa thôi, là năm 2020 sẽ đi đến hồi kết. Một thập kỉ mới đã thực sự bắt đầu, theo một cách đầy bất thường mà chúng ta – của những ngày đầu năm 2020 – chẳng thể lường trước được. Với tất cả những sự kiện môi trường xảy ra trong 365 ngày vừa qua, chúng ta có thể khẳng định rằng: Mẹ Thiên nhiên đã thật sự lên tiếng.
Là một quốc gia được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, dải đất hình chữ “S:” Việt Nam đã thực sự phải trải qua một năm với thời tiết vô cùng khắc nghiệt, chưa từng thấy trong hàng chục năm trở lại đây. Hãy cùng nhìn lại những sự kiện môi trường quan trọng trong năm 2020 – một năm đầy thử thách và mất mát đau thương, nhưng cũng đã chứng minh Chúng ta kiên cường và mạnh mẽ đến nhường nào.
2020 – Một năm của …
Thời tiết cực đoan
Mức nhiệt kỷ lục
Nếu bạn là một trong những người đón Tết 2020 trên đất Bắc, chứng kiến một đêm Giao thừa mưa như trút nước hay những cơn mưa đá ngay ngày mùng 1, chắc hẳn là một kỷ niệm khó quên, xen chút bàng hoàng khi đón chào năm mới 2020. Và đó mới chỉ là khởi đầu. Trong vòng 5 tháng đầu năm, cả nước đã chứng kiến hiện tượng thời tiết dị thường tại cả 3 miền: Miền Bắc mưa đá và giông tố, Miền Trung – Tây Nguyên khô hạn khốc liệt và Miền Nam – Đồng bằng Sông Cửu Long ngập mặn khắc nghiệt. Nét rõ ràng nhất của biến đổi thời tiết đó là hiện tượng hoa nở trái mùa khi ngay từ đầu tháng 5 đã xuất hiện những chùm hoa sữa nở rộ cùng với bằng lăng và phượng vĩ trên nhiều tuyến phố Hà Nội. Nguyên nhân của các đợt thời tiết khắc nghiệt và dị thường này, là xu hướng nhiệt độ cao, lại gặp ngay những đợt không khí lạnh có độ ẩm lớn ảnh hưởng ngắn ngày, dẫn đến sự xáo trộn thời tiết mạnh mẽ trong suốt cả một năm vừa qua.
Cùng với hiện tượng nóng lên trên toàn cầu, Việt Nam cũng đã trải qua một mùa hè năm 2020 với mức nhiệt cao kỷ lục. Trong vòng 6 tháng đầu năm, cả nước đã chứng kiến mức nhiệt trung bình cao hơn từ 0,5-2,5 độ C tại khắp các tỉnh thành. Riêng tại Thủ đô Hà Nội, điểm quan trắc khu vực Láng (Hà Nội) đã cho thấy nhiệt độ trung bình đạt mức cao nhất (42 độ C) trong khoảng 50 năm trở lại đây. Đi kèm với nắng nóng kéo dài, là chỉ số tia cực tím cao ở mức nguy hiểm cho da người nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Bão, Lũ tang thương
Dẫu biết rằng Việt Nam ta nhiều bão, phải đặt tên bão bằng số chứ chẳng thể nhớ nổi tên, nhưng con số 13 trận bão, 118 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất trong vòng một năm vừa qua vẫn là một ký ức quá đau thương với mọi người. Bão chồng bão, lũ chồng lũ dường như không chịu nghỉ để con người ngơi tay. Chỉ trong vòng tháng 10 và tháng 11, miền Trung đã phải gánh chịu 13 trận bão liên tiếp, gây ra những trận lũ lụt và sạt lở đất tồi tệ nhất trong vòng 100 năm trở lại đây, để lại những gia đình không còn nguyên vẹn, những người anh hùng nằm vùi trong đất đá và những căn nhà tan tác, xác xơ.
Covid 19 và Những hệ lụy
Kể từ lần bùng phát dịch diện rộng đầu tiên vào tháng 1/2020, dịch Covid 19 cho đến nay đã để lại một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đảo ngược kết quả của mọi nỗ lực phát triển vì mục tiêu bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có xóa đói giảm nghèo.
Cụ thể, đại dịch Covid 19 đã đẩy khoảng 88 triệu người vào cảnh nghèo đói (theo thống kê của Worldbank). Tình cảnh cùng cực vì thiếu lương thực và khó khăn về kinh tế do dịch bệnh đã gây ra mâu thuẫn và bạo lực trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo cũng vì thế mà gia tăng, đặt những người yếu thế trong xã hội vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Biện pháp giãn cách xã hội có thể có hiệu quả trong việc ngăn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, nhưng lại làm nặng thêm số vụ bạo lực gia đình ở khắp nơi trên thế giới.
Trong cuộc chiến rác thải nhựa, Covid 19 cũng đã thực sự làm gia tăng lượng rác thải dùng một lần và rác thải y tế. Dưới sự đe dọa của dịch bệnh và lệnh cách ly tại nhà, ý thức giảm thiểu rác thải nhựa đã phải chịu nhường bước trước ưu tiên sinh tồn của bản thân. Rác thải y tế như khẩu trang dùng một lần và các đồ bảo hộ khác cũng đồng thời trở thành một nguồn de dọa mới cho hệ sinh thái môi trường biển do đại dịch Covid 19 hoành hành. Và tại Việt Nam, những người yêu môi trường ủng hộ việc tái chế, hẳn cũng có nhiều lúc chạnh lòng khi vấp phải sự phản đối của nhiều người nếu họ có những góp ý về việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong những lần tiếp tế.
Có thể nói rằng, không chỉ cướp đi sinh mạng, đại dịch Covid 19 còn cướp đi những thành tựu cố gắng của hơn một thập kỉ phấn đấu của con người.
Chúng ta đã đoàn kết, kiên cường và sống sót
Trải qua một năm khắc nghiệt và đầy những mất mát đau thương mang tên 2020, tôi nghĩ rằng, ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy may mắn vì vẫn còn sống sót, dù ít hay nhiều.
Cảm ơn bản thân vì đã không bỏ cuộc, đã kiên cường cố gắng suốt một năm vừa qua.
Cảm ơn những con người làm việc không biết mệt mỏi, dù ở bất kì cương vị nào, đã cùng nhau chèo lái đất nước qua những lần bùng dịch, qua mùa lũ đau thương và mất mát.
Và trên hết, xin được cảm ơn một Việt Nam đoàn kết, kiên cường, đùm bọc lẫn nhau vượt qua những thời khắc khó khăn đi vào lịch sử.
Nhưng như thế là chưa đủ…
Thời khắc khép lại 2020 chỉ còn được tính bằng giờ. Năm 2021 đang tới với biết bao hi vọng về một liều vắc-xin sẽ được phổ biến toàn dân và xã hội sẽ bình ổn trở lại. Nhưng về mặt môi trường, hy vọng về một năm 2021 thời tiết sẽ yên bình hơn, có lẽ sẽ không thành hiện thực.
Trên đà của hiện tượng biến đổi khí hậu, năm 2021 được dự đoán sẽ tiếp tục là một năm thời tiết thất thường và khó khăn cho Việt Nam và toàn thế giới. Hiện tượng La Nina – nguyên nhân gây ra những đợt mưa lũ lịch sử tai Miền Trung vừa qua – được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lên thời tiết Việt Nam trong năm tới với những đợt giá rét kỉ lục ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới. Điều đó có nghĩa là, những cột mốc lịch sử đau thương của mùa lũ vừa qua tại Miền Trung hoàn toàn có thể lặp lại, thậm chí còn mạnh hơn và hậu quả nặng nề hơn nữa trong năm 2021.
Chúng ta đã kiên cường và sống sót, nhờ khả năng thích nghi tuyệt vời của con người, nhưng liệu cuộc đua thích nghi ấy có thắng được thiên nhiên?
Trong những ngày dịch bệnh, có ai từng ước Giá như loài người đừng mua bán những loài động vật hoang dã?
Trong những khoảnh khắc rưng rưng vì lũ lụt Miền Trung, có ai từng ước Giá như những rừng cây đừng bị khai thác tận diệt?
Năm 2020 tồi tệ, có thể sẽ chỉ là bắt đầu cho những sự kiện còn tồi tệ hơn, nếu chúng ta vẫn tiếp tục ngồi đó Giá như.
Thiên nhiên đã lên tiếng, thời gian còn lại cho loài người sửa chữa chẳng còn nhiều, nhưng chúng ta vẫn còn hy vọng. Hãy để 2021 thật sự trở thành một năm của hy vọng: Hy vọng vào sự thay đổi nhận thức của con người về ô nhiễm môi trường, thay đổi về cách mà mỗi người chúng ta đối xử với thiên nhiên. Trên chặng hành trình đó, hãy yên tâm rằng bạn không cô đơn, vì ít nhất, vẫn có SuJo ở đây, đồng hành cùng bạn trong chặng hành trình đổi thay, viết tiếp những câu chuyện xanh trên chặng hành trình bền vững.
Tạm biệt 2020, cảm ơn bạn vì một năm vất vả.
Xin được gửi những hy vọng này vào 2021 thân yêu.
————————–
SuJo