LIVING HALF GREEN? – SỐNG XANH MỘT NỬA?
Từ cuối thế kỉ XIX, sự xuất hiện của Phong trào Bảo tồn tại Mỹ đã đánh dấu cột mốc khi bảo vệ môi trường bắt đầu thực sự trở thành một vấn đề xã hội của không chỉ nước Mỹ mà của cả loài người. Từ phong trào Bảo vệ Môi trường Hiện đại năm 1960 cho đến nay, vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng khẳng định sức nóng khi tình hình ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật ngày càng nghiêm trọng hơn. Phát triển bền vững, “tiêu dùng bền vững” và “lối sống xanh”, là một trong những giải pháp lâu dài của vấn đề này.
Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (1987) định nghĩa “Tiêu dùng bền vững” là sử dụng năng lượng, sản phẩm và dịch vụ giảm thiểu tối đa tác động lên môi trường để nhu cầu của loài người có thể được đảm bảo không chỉ trong hiện tại mà trong cả các thế hệ tương lai. Một số những ví dụ về “tiêu dùng bền vững” có thể được kể tên như: sử dụng sản phẩm có thể phân hủy và thân thiện với môi trường, không để thức ăn thừa, giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế,…
“Lối sống xanh” được Tổ chức Bảo vệ Môi trường (EPA) định nghĩa: “Lối sống với những lựa chọn bền vững về thực phẩm ta ăn, cách ta đi lại, những thứ ta mua và cách ta sử dụng cũng như thải chúng ra ngoài. Chúng ta có thể đưa sự bền vững vào cách vận hành/hoạt động của công ty, và biến nơi ở của chúng ta thành một nơi sống xanh. Sự lựa chọn của chúng ta mỗi ngày có thể tạo ra một lối sống bền vững”. Như vậy, EPA đề cập đến “lối sống xanh” theo hai mặt: tiêu dùng và sản xuất. Điều này là hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ tiêu dùng và sản xuất giống như hai mặt của một tờ giấy gắn chặt lấy nhau không thể tách rời, mặt này phụ thuộc và mặt kia và nếu mặt này có lỗ hổng thì mặt kia cũng không thể toàn vẹn. Tiêu dùng bền vững nhất định phải đi đôi với làm việc và sản xuất bền vững. Đây cũng chính là mục tiêu thứ 12 trong 17 mục tiêu Phát triển Bền vững mà Liên Hợp Quốc đề ra.
Thế nào là “sống xanh một nửa”? Rõ ràng là, “tiêu dùng bền vững” chỉ là một phần của “lối sống xanh”. Nhưng thực tế hiện nay, khi nghĩ đến “lối sống xanh” hay “lối sống bền vững”, nhiều tổ chức và cá nhân chỉ tập trung vào khía cạnh tiêu dùng chứ chưa hướng về khía cạnh sản xuất dù cả hai mặt này đóng vai trò quan trọng như nhau để hình thành nên một nền kinh tế “xanh”, một nền kinh tế bền vững. Rất đáng hoan nghênh nếu một người chỉ mua và sử dụng những đồ dùng có thể tiêu hủy, thân thiện với môi trường nhưng thật đáng quan ngại nếu chính người đó lại là chủ hoặc công nhân của một nhà máy thải ra môi trường nhiều chất thải không thể phân hủy, có hại cho môi trường. Đó mới chỉ là “sống xanh một nửa”, hiệu quả thấp và không có tính lâu dài. Cần phải kết hợp cả “tiêu dùng bền vững” và “sản xuất bền vững”, vừa tiêu thụ và vừa tạo ra những sản phẩm, những dịch vụ bền vững, thân thiện với môi trường mới có thể xây dựng một lối sống xanh thật sự.
Có thể thấy, thu gom rác thải, tái chế, tái sử dụng từ lâu đã là những phong trào, chiến dịch mà nhiều tổ chức, cá nhân đề ra để giải quyết vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu dùng và môi trường. Tuy nhiên, những phong trào, chiến dịch này lại chưa mang đến hiệu quả rõ rệt vì chưa có hệ thống, các phong trào, chiến dịch còn diễn ra nhỏ lẻ, ngắn hạn,… Nói cách khác, các chiến dịch thu gom rác, tái chế rác này mới chỉ tập trung giải quyết bề nổi của cả tảng băng chìm. Đầu ra của đa số các sản phẩm tiêu dùng vẫn là bãi rác, doanh nghiệp vẫn sử dụng quá nhiều nguyên liệu thô, nguyên liệu không thể tái sử dụng, chưa tận dụng được hết giá trị của nguyên vật liệu, vân vân. Để cải thiện tình hình môi trường thành thị và những nơi tập trung cao độ cơ quan, xí nghiệp và các khu công nghiệp, theo tôi, giải pháp hữu hiệu nhất và dài hạn nhất chính là xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn là một nền kinh tế thay thế nền kinh tế tuyến tính mà ở đó tiêu dùng và sản xuất giữ cho nguyên liệu đi theo một vòng tuần hoàn, tận dụng được nhiều nhất giá trị của nguyên liệu và giảm thiểu tối đa việc sử dụng nguyên liệu thô cũng như giảm thiểu tối đa lượng rác thải bằng cách tái chế, tái sử dụng nguyên vật liệu… Một trong những ví dụ điển hình cho mô hình kinh tế tuần hoàn là Khu công nghiệp cộng sinh Kalundborg. Điểm đặc biệt của khu công nghiệp cộng sinh (industrial symbiosys) này chính là cơ sở hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp bên trong: sản phẩm phụ hoặc rác thải của một nhà máy, xí nghiệp là nguyên liệu đầu vào của nhà máy, xí nghiệp khác. Các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hợp tác với nhau, mua/bán nguyên vật liệu sản xuất từ sản phẩm dư thừa của nhau. Mô hình này nổi bật nhiều lợi ích rõ rệt, không chỉ là lợi ích môi trường mà còn có lợi ích kinh tế: giảm thiểu tối đa chi phí, rác thải và nguyên liệu thô đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh cũng như tăng tính bền bỉ cho doanh nghiệp.
Mô hình dòng chảy năng lượng, nước và nguyên liệu trong khu công nghiệp cộng sinh Kalundborg
Xây dựng hệ thống kinh tế tuần hoàn chính là xây dựng cơ sở, nền móng cho công cuộc thay đổi cả cục diện sản xuất và tiêu dùng – biến tiêu dùng, sản xuất tuyến tính trở thành tiêu dùng, sản xuất tuần hoàn, bền vững. Chính phủ có thể bắt đầu những bước đi đầu tiên bằng cách đưa kiến thức về kinh tế tuần hoàn vào giảng dạy để hình thành ý thức, lối nghĩ tuần hoàn cho các nhà kinh tế tương lai. Bên cạnh đó, chính phủ, nhà trường và các tổ chức có thể thành lập và phát triển nhiều viện nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn bên cạnh việc học hỏi các mô hình từ nước ngoài để xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện Việt Nam hơn. Ngoài ra, nhà nước cũng cần đầu tư nhiều hơn vào hệ thống xử lý, phân loại rác thải cũng như tạo ra một network kết nối đầu ra, đầu vào của các doanh nghiệp với nhau và với tiêu dùng…
Đây sẽ là một quá trình đầy khó khăn, thử thách, đòi hỏi sự đồng lòng của chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân nhưng tôi tin với đam mê, với tình yêu, sức lực và trí tuệ của các thế hệ đồng lòng lại, chúng ta sẽ làm được!
Đây là bài viết tham dự cuộc thi SuJo Writing Contest 2020 của Kì tuyển dụng mùa thu Đội Enactus NEU.