Con người đang sống trong thời kì phát triển rực rỡ nhất của cuộc Cách mạng Công Nghiệp lần thứ Tư với những bước phát triển vượt bậc về công nghệ cũng như mọi mặt trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự phát triển trong đời sống cũng kéo theo đó sự đi xuống của nhiều vấn đề mà trong đó vấn đề nổi bật và đáng quan tâm nhất là môi trường. Nhận thức được ảnh hưởng nghiêm trọng của hành vi tiêu dùng hàng ngày tới môi trường, câu hỏi: “Làm thế nào để có một lối sống xanh và tiêu dùng một cách bền vững” đã trở thành đề tài nóng trong xã hội hiện nay, đặc biệt là các bạn trẻ – những chủ nhân tương lai của thế giới.
Làm sao để có thể tiêu dùng bền vững đã luôn là một vấn đề đáng quan tâm của nhân loại. Theo nghiên cứu của anh Phạm Tuấn Anh, khái niệm “tiêu dùng bền vững” đã xuất hiện từ những thập niên 90 của thế kỷ XX. Trong rất nhiều năm, các định nghĩa về “tiêu dùng bền vững” đã được đưa ra và cho đến năm 2015, trung tâm nghiên cứu và phát triển toàn cầu GDRC đã đưa ra định nghĩa tổng quan về “tiêu dùng bền vững”: “Tiêu dùng bền vững là việc tiêu dùng gây ra tác động nhỏ nhất tới môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và khả thi về kinh tế trong việc đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và trên toàn cầu.” Tiêu dùng bền vững đã khá phổ biến ở các nước trên thế giới cũng như tại Viêt Nam. Laroche (2001) cho biết số lượng người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sinh thái thân thiện gần đây cho thấy thị trường của các sản phẩm thân thiện môi trường đang mở rộng. Theo cuộc khảo sát của Công ty Nielsen Việt Nam, có 4 trong 5 người Việt sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đi theo làn sóng ấy, rất nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Như tập đoàn An Phát Holding gần đây đã cho ra mắt nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio bao gồm các sản phẩm như túi sinh học, dao, thìa…
(nguồn ảnh: https://anphatholdings.com/san-xuat/san-pham-va-nguyen-vat-lieu-sinh-hoc-phan-huy-hoan-toan.html)
Không chỉ các doanh nghiệp, bản thân giới trẻ hiện nay cũng đã hành động để đi theo lối sống “tiêu dùng bền vững”. Các bạn trẻ đã vận dụng sự phổ biển và sử dụng rộng rãi của mạng xã hội để tạo ra các trào lưu, các chiến dịch về môi trường như #Nostrawchallenge, #Noplasticbag,… (theo báo VnExpress). Bên cạnh đó, rất nhiều buổi workshop, bán các sản phẩm thân thiện với môi trường đã được tổ chức trên địa bàn cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn, thu hút được đông đảo người tham gia.
Chiến dịch WeDo: Cuộc chiến “trộm” nhựa” được thành lập vào năm 2019 nhằm thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa và giúp giảm thiểu lượng rác nhựa (Nguồn ảnh: Internet)
Với sự xuất hiện dày đặc của các chiến dịch, dự án cũng như sự ra đời của các sản phẩm thân thiện với môi trường, giới trẻ và xã hội ngày nay đã có ý thức hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và xây dựng cho mình lối sống xanh, phục vụ cho sự phát triển bền vững của toàn xã hội.
Vấn đề môi trường luôn là vấn đề cấp thiết ở mọi khu vực, đặc biệt là các thành phố lớn, nơi có mật độ dân số cao. Rất nhiều giải pháp đã được chính quyền đưa ra như tuyên truyền đến tận tổ dân phố, vận động người dân sử dụng năng lượng hay các sản phẩm thay thế, phát động chương trình trồng cây xanh,… Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn chưa thực sự hiệu quả bởi một bộ phận người dân vẫn quá lạm dụng đồ nhựa vì lợi ích cá nhân. Theo em, sự thay đổi trong thái độ và ý thức của con người chính là yếu tố quan trọng nhất để vấn đề bảo vệ môi trường có thể được thực thi một cách hiệu quả. Bởi vậy, giải pháp thiết thực nhất là chính quyền đưa ra những điều luật mới về việc cấm sử dụng những sản phẩm hay làm những hành động có tác động tiêu cực đến môi trường. Có như vậy người dân mới có thể chấp hành theo những quy định mới và sử dụng các sản phẩm thay thế. Từ đó vấn đề môi trường có thể được giải quyết một cách triệt để và hiệu quả nhất.
Trái Đất đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng. Thái độ và hành động của chúng ta là yếu tố quyết định để thay đổi tương lai đó. Hãy cùng chung tay bảo vệ sự sống quý giá của ngôi nhà chung này!
Tài liệu tham khảo
- Phạm Tuấn Anh & Nguyễn Thị Thu Hồng, 2019. Các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn tiêu dùng bền vững trong lĩnh vực ăn uống: Nghiên cứu trường hợp sinh viên các trường đại học tại khu vực Hà Nội, 23 – 24
- Laroche, M., Bergeron, J & Barbaro-Forleo (2001), Targeting consumers who are willing to pay more for environmentally friendly products, Consumer Marketing, 18(6), 503
- Ngọc Mai, 2019. Sản phẩm thân thiện môi trường lên ngôi, báo Sài Gòn Online. Sẵn có ở: https://www.sggp.org.vn/san-pham-than-thien-moi-truong-len-ngoi-604161.html [truy cập ngày 21/11/2020]
-Đây là bài viết tham dự cuộc thi SuJo Writing Contest 2020 của Kì tuyển dụng mùa thu Đội Enactus NEU-